Tác dụng của việc lên răng, xuống răng nhông dĩa

BÀI 3: Tác dụng của việc lên răng, xuống răng nhông dĩa.
 
Nhiều hay ít răng thì tốt ? Và tại sao lại tốt ?
 
.
 
Lời tựa.
 
Khi làm xe cho khách hàng, chúng tôi khá ngạc nhiên khi nhận ra hầu hết mọi người đều tìm đến để lắp một bộ nhông sên dĩa đến từ các hãng sản xuất lớn, uy tín cùng chất lượng cao, nhưng lại không hoàn toàn nắm được ý nghĩa cơ bản của thông số nhông sên dĩa trên chiếc xe của mình. Điều này cho thấy các bạn phần đông đều hiểu được tầm quan trọng của những sản phẩm TỐT, nhưng lại không dành đủ quan tâm cho một bộ nhông sên dĩa ĐÚNG.
 
Việc này vô tình khiến cho sản phẩm dù tốt, nhưng mua về lắp vào sai, thì không những không phát huy hết công năng sử dụng, thậm chí ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm lái cùng độ bền. Đó là lý do chúng tôi bắt đầu loạt bài này, để các bạn hiểu rằng những kiến thức đó không có gì quá xa lạ nếu chúng ta thực sự muốn tìm hiểu.
 
Tất cả thông tin trong bài đều được Pangorin dịch và biên soạn từ các nguồn uy tín, bên cạnh đó là kinh nghiệm thực tế của chúng tôi trong lĩnh vực này. Đây hầu hết đều là những thông tin hết sức cơ bản và có thể dễ dàng tìm thấy hoặc kiểm chứng nếu bạn có chút thời gian cho việc tìm hiểu.
 
Dĩ nhiên, bởi vì tự biên soạn và tổng hợp, có thể vẫn sẽ tồn tại những sai sót trong bài viết của chúng tôi, và chúng tôi rất hoan nghênh mọi đóng góp xây dựng loạt bài này từ những người bạn cùng đam mê. Tuy nhiên, để tránh mất thời gian sa đà vào những phản biện không cần thiết, chúng tôi sẽ chỉ phản hồi những góp ý đi kèm theo lý lẽ cùng dẫn chứng thuyết phục. Xin phép không trả lời, xóa những phản hồi có tính chất gây hấn, những thắc mắc quá căn bản mà chúng tôi đã viết trong bài khác hoặc đơn giản là chỉ cần google là ra.
 
Mục đích cuối cùng vẫn là để chúng ta hiểu được chiếc xe của mình, và hiểu được nhau theo một cách đủ tôn trọng lẫn trách nhiệm. Mong rằng những chia sẻ này sẽ đến được với những ai cần chúng.
Cảm ơn.
 
.
 
--------------------- Bài 3 ---------------------
 
Sẽ không bất ngờ khi bạn cảm thấy chưa thực sự hài lòng với một chiếc xe xuất xưởng, hay thói quen thường gọi là “xe zin”, bởi đơn giản là nhà sản xuất họ không biết gì về bạn.
 
Khi xuất xưởng, chiếc xe được thiết kế theo tiêu chuẩn chung dành cho mỗi thi trường, được tính toán dựa trên các thông số trung bình. Thị trường càng rộng, thông số trung bình càng ít được tinh chỉnh theo nhu cầu riêng. Họ sẽ không bao giờ biết chính xác bạn cao to bao nhiêu, khả năng của bạn như thế nào, thói quen lái xe của bạn ra sao, và bạn sử dụng chiếc xe của mình ở đâu, dành cho địa hình nào. Để đạt được sự thỏa mãn bạn muốn, tất nhiên cần có sự thay đổi.
 
Những kẻ nghịch xe như chúng tôi gọi đó là custom (tự tinh chỉnh theo nhu cầu riêng).
 
Custom xe có rất rất nhiều điều thú vị, và gần như bạn có thể can thiệp đến mọi thành phần cấu tạo của xe để có những trải nghiệm lái khác biệt. Với những người không quá rành về máy móc nhưng mong muốn có ngay một cảm giác lái thay đổi, thông thường sẽ nghĩ tới việc thay lốp sau, hoặc nhiều hơn là thay đổi kích thước cả mâm bánh. Việc này khá tốn kém và không hề dễ dàng. Trong khi ít ai biết rằng việc chỉ đơn giản thay đổi một phần hệ truyền động, cụ thể là nhông sên dĩa, đem lại hiệu quả trực quan hơn nhiều. Và quan trọng là ít tốn kém hơn hẳn.
 
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung nói về tác động của việc thay đổi số răng trên nhông trước hoặc dĩa sau, và giải thích tác động của sự thay đổi đó lên khả năng vận hành của xe.
 
.
 
Mối quan hệ giữa nhông và dĩa được thể hiện bằng một con số, gọi là tỉ số truyền. Trên 2 xe khác nhau, ví dụ Kawasaki Z300 xuất xưởng có nhông 14 và dĩa 42, còn KTM Duke 390 có nhông 15 và dĩa 45, nhưng tỉ số truyền của chúng lại bằng nhau. Tỉ số này tính bằng số răng dĩa sau chia cho số răng nhông trước. Trong trường hợp này đều là 3, nghĩa là nhông quay 3 vòng thì dĩa quay hết 1 vòng.
 
Tỉ số là 3, hoặc thấp hơn, là tỷ lệ thường thấy ở dòng xe streetbike (xe đi đường phố), trong khi đó dòng motocross (xe vượt địa hình) thường nằm ở mức 4 trở lên. Điều này cho thấy rõ, nhu cầu sử dụng xe khác nhau thì tỉ số truyền sẽ cần khác nhau, khi mà phân khúc motocross cần lực tải mạnh (low-end power) còn dòng streetbike cần nước hậu tốc độ cao (top-end speed).
 
Hiểu đơn giản, xuống răng nhông trước hoặc lên răng dĩa sau đều có tác dụng tăng tỉ số truyền, làm giảm tốc độ tối đa của chiếc xe, nhưng bù lại cải thiện về gia tốc, giúp tăng nước đề. Ngược lại, lên răng nhông trước hoặc xuống răng dĩa sau làm giảm tỷ số truyền, cũng tức là thêm vào tốc độ tối đa cho chiếc xe của bạn. Thay đổi thông số nhông dĩa đồng nghĩa với việc đánh đổi giữa vận tốc khởi hành với vận tốc vận hành lâu dài, ưu thế không hoàn toàn thuộc về bên nào.
 
Nhiều người hay hỏi chúng tôi rằng nên lắp bao nhiêu là tốt nhất, nhưng lại không hề nói về nhu cầu và thói quen sử dụng của mình, thì cũng tức là một câu hỏi vô nghĩa thôi.
 
.
 
Lại nói sâu hơn, tính tỉ số truyền thì số răng nhông trước tỷ lệ nghịch với số răng dĩa sau, nên việc lên răng nhông trước sẽ tương đương với xuống răng dĩa sau và ngược lại. Cụ thể, dòng streetbike với tỷ số thông thường nằm ở mức 3, do đó việc thay đổi 1 răng nhông trước sẽ tương đương với thay đổi khoảng 3 răng dĩa sau. Nghĩa là thay vì xuống 1 răng nhông trước, có thể thay thế bằng việc lên khoảng 3 răng dĩa sau mà vẫn cho kết quả tương đương.
 
Lấy ví dụ, thông số xuất xưởng của Kawasaki Z300 là 14/42, vậy với thông số 14/45 sẽ giúp cải thiện nước đề, còn thông số 14/40 sẽ giúp tăng nước hậu, vì tỉ số truyền tương ứng của 14/42 là 3, của 14/45 là 3.2, và của 14/40 là 2.85. Tỉ số truyền càng lớn sẽ cho gia tốc càng tốt, tỉ số truyền càng nhỏ sẽ cho tốc độ tối đa tốt hơn.
 
Cần nói thêm, khi quyết định thay đổi tỷ số truyền, nên chọn lên hoặc xuống dĩa sau hơn là thay đổi thông số nhông trước, mặc dù việc thực ra thay đổi 1 răng nhông trước sẽ hiệu quả hơn thay đổi 1 răng dĩa sau, bởi vì nhông trước gắn liền với khu vực truyền động, thêm nữa, chi phí cho việc thay nhông trước cũng sẽ rẻ hơn. Nhưng quan trọng là nhông trước nhỏ hơn sẽ khiến cho sên phải quay trên một vòng cung nhỏ hơn, làm tăng ma sát dẫn tới giảm độ bền mắt sên.
 
.
 
Một vài khách hàng ghé Pangorin cũng có hỏi chúng tôi về việc đồng hồ báo tốc độ có sai lệch khi thay đổi răng trên nhông trước, vấn đề này cũng cần phải nói rõ. Tác động này chỉ gây ra trên các xe có mắt đọc tốc độ gắn ở nhông trước, đối với các xe dùng mắt đọc gắn ở hệ thống ABS bánh sau thì không ảnh hưởng. Bên cạnh đó, kể cả đơn giản như việc thay đổi lốp thực ra cũng có gây ra sai lệch ở đồng hồ tốc độ, chủ yếu bởi vì mắt đọc điện tử đều sử dụng thuật toán để tính toán, nên con số hiển thị trên đồng hồ cũng mang tính rất tương đối, và sai lệch, nếu có, cũng chỉ nằm ở mức tối đa 2-3%, tức là 2-3km cho mỗi 100km/h.
 
Một lưu ý cuối cùng, thay đổi nhông dĩa thì nên thay luôn cả sên để có được hiệu quả sử dụng tối ưu nhất. Dùng sên cũ với nhông dĩa mới, hoặc ngược lại, sẽ làm giảm tuổi thọ của cả bộ nhông sên dĩa. Việc này cực kỳ quan trọng, mà chúng tôi sẽ sớm nói sâu hơn trong một bài viết tiếp sau.
 
-Pangorin-

 

Quay lại
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Quay lại trang tin
loading
Liên hệ: 0987 83 89 85