Cờ-lê Đo Lực (Torque Wrench)
.
Khách hàng ghé Pangorin thay nhông sên dĩa có lẽ đều đã thấy chúng tôi sử dụng một dụng cụ chuyên dụng có mặt đồng hồ điện tử khi siết ốc. Đó là thứ tiếp theo trong loạt bài viết về dụng cụ kỹ thuật mà chúng tôi muốn chia sẻ đến các bạn - cờ lê đo lực (torque wrench), gọi tắt là cờ lê lực.
Lý do chúng tôi quyết định phải nhập thiết bị này về sử dụng cho xưởng của mình bởi đây là một trong những dụng cụ quan trọng mang lại sự đảm bảo về độ bền cho xe, cũng như an toàn cho người lái.
.
Trước lúc xuất xưởng, một chiếc xe luôn được nhà sản xuất kiểm tra từ một đến vài lần các chi tiết cơ khí, tùy mức độ quan trọng, để đảm bảo mọi thông số luôn nằm trong điều kiện cho phép với biên độ chính xác cao nhất có thể trên từng chi tiết lớn nhỏ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, trong quá trình vận hành, sai lệch chắc chắn sẽ xuất hiện. Và mục đích của việc bảo dưỡng không gì khác hơn việc kiểm tra, điều chỉnh để chắc chắn mọi thứ được trả về đúng vị trí của chúng trong tình trạng tốt nhất..
Tại Pangorin, chúng tôi dành khá nhiều thời gian để hoàn thiện một danh sách các thông số kỹ thuật cho từng vị trí ốc quan trọng trên từng hãng xe, đời xe khác nhau. Kèm theo đó là những dụng cụ chuyên dụng để hỗ trợ cho việc đảm bảo các thông số đó được hoàn trả lại một cách chính xác nhất có thể trong quá trình thay thế, bảo dưỡng.
.
Để cho dễ hiểu, ví dụ cụ thể trên chiếc Kawasaki Z300, thông số lực siết ốc nhông trước, ốc cốt bánh sau, ốc dĩa lần lượt là 127Nm, 98Nm và 59Nm cho mỗi con ốc. Thông số này được cung cấp bởi chính hãng sản xuất, thông qua các hướng dẫn bảo dưỡng (service manuals), và dĩ nhiên tại tất cả các điểm bảo trì chính hãng đều được khuyến cáo áp dụng thông số này.
Hiện tại, theo chúng tôi biết, ngoài KTM có public thông tin về các service manuals trên website, đối với các hãng còn lại, nếu muốn có đầy đủ thông tin này thì hoặc là đơn vị ủy quyền từ hãng, hoặc đều cần phải mua. Đó là lý do vì sao không nhiều người biết đến sự tồn tại của chúng.
Với bảng thông số lực chính xác này, cùng sự hỗ trợ của cờ lê lực và một ít keo Loctite (keo khoá ren), người thợ lắp đặt sẽ biết chính xác mình cần siết bao nhiêu lực và khi nào nên dừng siết.
Một vài người tỏ ra lo ngại về việc một con ốc sau khi tháo ra gắn lại sẽ bị lỏng và cần lực siết lớn hơn, điều này hoàn toàn không đúng. Keo khoá ren sẽ hỗ trợ một lực khoá khoảng 25Nm, do đó chỉ cần siết chính xác tới thông số nhà sản xuất cung cấp, và keo sẽ làm nốt phần công việc còn lại.
(Chúng tôi đã có một bài viết riêng về keo khoá ren Loctite, link sẽ được cập nhật dưới ở cuối bài viết cho anh em nào muốn tìm hiểu rõ hơn.)
.
Trở lại vấn đề siết ốc, việc siết quá lực hoặc thiếu lực đều có thể dẫn đến những hậu quả tồi tệ. Vài chi tiết máy, hoặc cả bộ truyền động, hoàn toàn có thể bung ra trong lúc xe đang vận hành do siết ốc thiếu lực. Hoặc đôi khi sẽ phải mất hàng giờ để tháo một con ốc siết quá chặt, thậm chí không được thì phải cắt bỏ. Trường hợp tệ nhất, sau nhiều lần tháo ốc và gắn lại bằng cách siết chặt hơn cần thiết, cả ốc lẫn ren khóa đều sẽ bị hư hỏng dần và sớm không còn đảm bảo an toàn khi vận hành, kể cả sau khi đã thay ốc mới.
Hãy hình dung trường hợp một chi tiết tối quan trọng, như ốc cốt máy chẳng hạn, bị siết quá chặt và không thể tháo ra, hoặc khi tháo ra được thì phá hỏng luôn cả ren khóa. Khi đó bạn sẽ nhận ra, thay vì gửi xe về hãng để thay thế toàn bộ cụm chi tiết này, thì đầu tư vài trăm USD cho một dụng cụ chuyên dụng sẽ không còn là vấn đề vượt quá tầm tay.
.
Cuối cùng, trong trường hợp các bạn muốn mua về sử dụng tại nhà, chúng tôi khuyến cáo chỉ nên dùng cờ lê đo lực theo chiều siết vào, mặc dù hầu hết chúng được thiết kế hai chiều. Lý do đơn giản là vì không phải con ốc nào cũng ở trạng thái xuất xưởng, hay gọi đơn giản là ốc mới. Mọi vật liệu đều có một độ bền nhất định, và chúng ta đều biết hậu quả sẽ thế nào nếu sử dụng một chi tiết cơ khí vượt quá mức giới hạn cho phép của nó.
Đó là lý do vì sao tại Pangorin, mỗi con ốc đều được siết bằng tay thay vì dùng đầu súng nối với bơm hơi. Và dĩ nhiên, là được sử dụng cùng với keo khóa ren cộng với kiểm tra bằng cờ lê lực
-Pangorin-
Bài viết về keo khóa ren (Loctite), luôn được chúng tôi sử dụng bên cạnh việc siết đúng lực bằng cờ lê lực: Keo Khóa Ren (Threadlocker Medium Strength - Loctite 243) Cần Thiết Hay Không?